Thứ Tư, 21 tháng 1, 2015

Nhà giáo tiết lộ góc khuất làm phổ cập

-Luật Phổ cập giáo dục được ban hành, giáo viên mất dần quyền cho học sinh yếu ở lại lớp. Vì, nếu cứ học yếu phải ở lại lớp thì sẽ không đạt “phổ cập giáo dục đúng độ tuổi”. Chính điều này, nên đã có rất nhiều “học sinh ngồi nhầm lớp”...
Liên quan đến chuẩn phổ cập giáo dục còn phụ thuộc vào việc học sinh có bỏ học hay không.
Trước tình hình, học sinh nghỉ học ngày càng nhiều, sợ ảnh hưởng dây chuyền đến việc phổ cập giáo dục của xã phường, trường học, phòng giáo dục và Ủy ban nhân dân...vì thế, sau khi tất cả Ban ngành đoàn thể cùng vào cuộc vận động học sinh trở lại lớp không thành thì nhà trường bắt đầu “trổ tài” tung ra một số “bí quyết” để hợp thức hóa số lượng học sinh vừa bỏ học kia “trở lại học” một cách bình thường nhưng dưới hình thức khác: Lớp học phổ cập buổi tối.
Việc làm này đã giúp cho công tác giáo dục phổ cập vẫn hoàn thành đúng kế hoạch.

  nhà giáo, phổ cập, giáo dục  
Cô giáo Dương Thị Hồng hướng dẫn học sinh lớp 8 bổ túc THCS thôn Lân Cà, xã Trấn Yên làm bài (Ảnh minh họa, nguồn: Báo Lạng Sơn)

Học sinh tiểu học nghỉ học không nhiều. Hàng năm một trường, con số cũng chỉ có vài em. Sau khi vận động các em trở lại lớp không thành, nhà trường làm hồ sơ cho các em chuyển trường để hợp pháp việc nghỉ học, và thế là không ảnh hưởng gì đến chỉ tiêu của phổ cập.
Với học sinh THCS thì khác, số lượng học sinh nghỉ học một trường đôi khi lên đến vài chục em. Nếu để số lượng này thì cả trường, cả thị mất hết chỉ tiêu phổ cập.
Thế là, thầy cô chủ nhiệm, giáo viên phổ cập, ban giám hiệu nhà trường và cán bộ của xã phường đến gia đình vận động học sinh ra lớp nhưng nhiều gia đình vẫn không cho các em trở lại trường, bởi vì có nhiều em gia đình quá neo người, các em đã trở thành lao động chính. Vận động trở lại trường không được, nhà trường lại vận động các em ra lớp phổ cập. Nhiều em nghỉ học và “đoạn tuyệt” luôn với việc học hành nên học chính khóa hay học phổ cập ban đêm cũng không muốn đi. Dù không đi, danh sách học sinh nghỉ học vẫn được lập nhưng chỉ cái tên của học sinh là thật, còn người đi học thì không.
Việc các em có đến lớp phổ cập buổi tối hay không cũng không còn quan trọng nữa, vì ngày khai giảng lớp phổ cập “trống dong cờ mở” tưng bừng, một số thầy cô đã “đi mượn” học sinh “chính quy” ở lớp mình dạy vào ngồi để quay phim, chụp hình và báo cáo cấp trên. Nhiều người đùa, học sinh lớp phổ cập toàn là “ve sầu thoát xác”.
Mỗi lớp phổ cập danh sách chốt cũng hơn chục em nhưng đôi khi chỉ lèo tèo vài em đến học. Ngân sách chi cho lớp phổ cập của các trường không phải là ít. Từ công tác vận động các em ra lớp, tiền sách vở, bút viết, đến mỗi tiết học được trả cho giáo viên dạy từ 25-30 ngàn đồng. Mỗi tối, thầy cô giáo được phân công đến lớp dạy học, ngày đông dăm em, có hôm chẳng có một em nào, lớp học đành phải nghỉ. Nhiều em vui thì đến lớp, buồn ở nhà đi chơi. Tới giờ vào học, cô thầy ngồi đợi hàng giờ mới có vài em tới lớp trong bộ dạng uể oải.
Ngày qua ngày trôi đi, hết thời gian quy định, học sinh cũng được lên lớp và cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình phổ cập.
Chỉ có giáo viên dạy là hiểu rõ, đằng sau giấy chứng nhận kia, kiến thức các em nạp được vào đầu là bao nhiêu phần trăm. Chất lượng dạy và học phổ cập hiện nay cũng đang phản ánh một thực trạng “ma” nhằm đạt được chỉ tiêu hoàn thành giáo dục phổ cập.
Đến lúc cùng mạnh dạn nhìn thẳng vào vấn đề: Có nhất thiết phải đưa ra chỉ tiêu cần đạt về phổ cập giáo dục ở các trường, các địa phương như hiện nay? Không có chỉ tiêu thi đua, mọi hoạt động sẽ đi vào thực chất và đạt chất lượng hơn?
Hương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét