Học sinh chào mừng
ngày 8/3 dưới mưa rét
(PLO) -
Mới đây, dư luận lại xôn xao trước câu chuyện hàng trăm học sinh Trường Tiểu
học Đông Thái, quận Tây Hồ, TP.Hà Nội đồng ca hát theo ca khúc “Chắc ai đó sẽ
về” giữa sân trường. Và nữa, một bức ảnh chụp cảnh hàng trăm học sinh nữ dầm
mình trong mưa để kỷ niệm ngày 8/3 khiến nhiều người không khỏi xót xa...
Rầu
lòng hậu 8/3
Đoạn clip
cho thấy một cô gái trẻ đang đứng trước hàng nghìn học sinh hát bài “Chắc ai đó
sẽ về” của chàng ca sỹ Sơn Tùng M-TP. Cô gái trẻ hát tới đâu là hàng trăm em
học sinh tiểu học của trường đều hát theo đầy hào hứng.
Cô Phi
Thị Thanh Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Thái (Tây Hồ, Hà Nội) xác
nhận, đây là đoạn clip được ghi lại buổi tập văn nghệ tại trường. Cô Hương cũng
cho biết, bài hát này do học sinh cũ tặng thầy cô và học sinh của trường nhân
dịp 8/3 khi về tặng hoa và thăm trường xưa.
Các em
muốn tặng thầy cô, học sinh trong trường bài hát và đã bật nhạc bài “Chắc ai đó
sẽ về”.
Lúc bài
hát vang lên, thầy cô có mặt tại trường đều bất ngờ. Tuy nhiên, không thể ngắt
nhạc luôn được nên phải đợi một lúc sau cô phụ trách mới chuyển qua bài hát
khác.
Cô Thanh
Hương cũng thẳng thắn chia sẻ rằng: “Những ca từ của bài hát đó hoàn toàn không
phù hợp với học sinh tiểu học. Chính tôi cũng bất ngờ và không thể tưởng tượng
được học sinh của mình lại hào hứng và thuộc lời bài hát này như thế”.
Cô Hương
cũng thừa nhận đây là sơ suất từ phía nhà trường. Có lẽ vì là học sinh cấp 3
nên các em thích những bài hát như thế và cũng không nghĩ đứng hát trước học
sinh tiểu học sẽ gây phản tác dụng...
Một hình
ảnh khác cũng trong ngày lễ kỷ niệm 8/3, trên trang cá nhân của giáo viên Trịnh
Thu Tuyết (Trường Chuyên Chu Văn An, Hà Nội) đã đăng tải bức ảnh hàng trăm học
sinh che ô hoặc mặc áo mưa ngồi giữa sân trường để kỷ niệm ngày 8/3.
Bức ảnh
cho thấy thời tiết mù mịt, sân trường loáng nước mưa, còn hàng trăm học sinh co
ro trong giá lạnh. Cô xót xa nhận xét: “Tinh thần 8/3 đẫm nước mưa. Trời cũng
xót thương cho những “dẻ sườn”. Chắc đây là một trường phổ thông ở Thái Bình kỷ
niệm 8/3. Xin phép được chia sẻ”.
Một số
độc giả cho biết, theo status gốc, đây là bức ảnh của một nam sinh không được
dự lễ kỷ niệm này đã tải lên. Cùng với đó, nhiều độc giả tỏ ra phẫn nộ khi nhìn
thấy cảnh này. Hiện chưa có thông tin phản hồi từ ngôi trường này nhưng trên
cộng đồng mạng, nhiều người đã chia sẻ bức ảnh với các lời bình luận không tán
thành hành động đó.
Hàng trăm học sinh
tiểu học thuộc làu ca khúc “hit” của Sơn Tùng M-TP
Nghỉ học: phải chọn
nộp tiền hay chịu roi?
Cũng
trong những ngày vừa qua, tại Bình Dương, nhiều học sinh, phụ huynh phản ánh về
trường hợp 2 thầy giáo đưa ra mức phạt nếu nghỉ học thì bị phạt tiền. Đó là
hình thức phạt học sinh của hai thầy giáo dạy Toán: thầy Trần Văn Thiện, chủ
nhiệm lớp 12A8 và thầy Vũ Văn Hiến, chủ nhiệm lớp 12A1, Trường Tiểu học - Trung
học Cơ sở - Trung học phổ thông (TH - THCS - THPT) Ngô Thời Nhiệm, thành phố
Mới, tỉnh Bình Dương.
Theo phản
ánh của nhiều học sinh và phụ huynh lớp 12A1 và 12A8, thầy Thiện và thầy Hiến
đã đưa ra mức hình phạt đối với học sinh nghỉ học trong giờ phụ đạo (từ 16 giờ
45 phút đến 18 giờ 45 phút) là phạt tiền 100 ngàn đồng, số tiền này được dùng
để nuôi heo đất dành cho liên hoan cuối năm. Nếu học sinh nào không có tiền
đóng phạt thì thay bằng... đánh đòn.
Theo lý
giải của các thầy, dù thừa nhận hình thức kỷ luật này là sai, tuy nhiên, mục
đích cũng là muốn răn đe các em học sinh, giúp các em chú tâm học tập để có kết
quả tốt trong kỳ thi sắp tới. Còn về số tiền, chúng tôi dùng để nuôi heo đất, làm
phần thưởng và liên hoan cho chính các em học sinh.
Sự việc
lần này khiến nhiều người nhớ đến trường hợp học sinh bị đuổi ra khỏi phòng thi
vì chưa đóng tiền học thêm xảy ra tại Đắk Lắk. Sự việc diễn ra tại Trường THPT
Phan Đình Phùng (xã Ea Kly, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk).
Trong
ngày kiểm tra cuối kỳ môn Văn sáng 5/5/2014, khoảng 50 học sinh Trường THPT
Phan Đình Phùng đã không được làm bài kiểm tra. Chỉ riêng tại lớp 10A2 có 5 học
sinh không được dự thi. Thậm chí, nhiều em phải gọi điện cầu cứu bố mẹ đến nộp
tiền mới được nhà trường cho vào thi.
Và
những điều… bó tay
Trở lại
câu chuyện về clip học sinh Trường Tiểu học Đông Thái hát theo bản hit “Chắc ai
đó sẽ về”, ngay khi clip được đưa lên mạng, có nhiều ý kiến trái chiều, trong
đó đặc biệt đề cập đến trách nhiệm của nhà trường khi để một bài hát không phù
hợp với lứa tuổi học sinh tiểu học vang lên trong trường.
Người xem
vội đổ hoàn toàn trách nhiệm cho nhà trường. Dù đây là sơ suất từ phía nhà
trường. Đành rằng, trong clip, không chỉ một, hai mà là hàng trăm học sinh tiểu
học đều thuộc làu giai điệu và ca từ bài hát này.
Trước câu
chuyện này, ông Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc
trẻ em bày tỏ: Rất khó để đưa ra lời nhận xét về vấn đề này. Vì sự truyền bá
trên mạng, quản lý của ngành Văn hóa gần như “bất lực”. Những bài hát như thế
lại được hát rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, mà truyền
thông của ta lại không phân định cụ thể dành cho lứa tuổi nào. Các em thấy cái
gì đang rộ lên thì theo, vì các em chưa nhận biết được đâu là cái hay, đâu là
cái không hay nên tránh.
Ông An
cho rằng, việc giáo dục từ gia đình là rất quan trọng. Nhưng hiện nay, guồng
máy kiếm sống đã khiến nhiều gia đình phó mặc sự giáo dục ấy cho nhà trường và
xã hội. Nhà trường thì các chương trình về văn, thể, mỹ, đạo đức, kĩ năng sống,
cũng như cách lựa chọn để giúp các em tiếp cận trong cuộc sống rất ít và thiếu,
trong khi đó, chương trình học lại nặng.
Hơn nữa,
các quy định trong văn bản pháp luật đặc biệt là Luật Bảo vệ chăm sóc trẻ em
cần được cụ thể, vì luật pháp mới là cái gốc để từ đó chấn chỉnh lại con người
đi theo đúng hướng. Điều ấy cũng giúp các em lựa chọn được những gì phù hợp với
lứa tuổi và thuần phong mỹ tục.
Và câu
chuyện học sinh ngồi dưới mưa ở sân trường để chúc mừng cô ngày 8/3 cũng như
việc nộp tiền phạt vì nghỉ học đều thể hiện sự máy móc, hình thức và phản cảm
trong nhà trường. Có nhất thiết phải ngồi dưới mưa như vậy thay bằng những lời
chúc mừng ấm áp ngay trong lớp học?
Hay những
câu chuyện giản dị, những kỉ niệm của cô với học trò cũ được kể lại với học trò
của mình cũng đã là những điều rất ấm áp và cảm động. Những điều đẹp đẽ sẽ đi
vào tâm hồn trẻ suốt chiều dài năm tháng từ những điều rất nhỏ hàng ngày.
Ở câu
chuyện kỉ luật bằng tiền, các chuyên gia tâm lý cho rằng các em vẫn đang ở độ
tuổi có nhiều biến đổi về tâm, sinh lý, hoàn thiện về nhân cách sống. Nhà
trường không thể dùng hình thức kỷ luật ấy để… răn đe các em. Nếu không hiểu rõ
ràng, nhiều em sẽ sinh buồn bực, dễ bất mãn với cách hành xử của nhà trường.
Hơn nữa,
phụ huynh gửi con em đến trường để được giáo dục, được nuôi dưỡng tâm hồn… Nếu
nhà trường ra quyết định đình chỉ học như vậy, phụ huynh học sinh sẽ không tin
cậy cách giáo dục của nhà trường. Nhà trường nên tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng
của các em trước khi ra một quyết định kỷ luật nào đó. Qua vụ việc này, chúng
ta cũng cần xem lại cách ứng xử của nhà trường mà đại diện là những thầy cô -
người trực tiếp hướng dẫn, giáo dục tâm sinh lý các em.
Theo Thạc
sỹ giáo dục Phạm Phúc Thịnh, có thể thấy rất rõ nhà trường, hiệu trưởng đang sử
dụng một cách làm sai. Vì bất lực, vì không còn phương pháp giáo dục nào cả nên
đành lấy cái quyền, mà lại là quyền không được quy định để trấn áp học sinh, để
buộc học sinh phải thực hiện theo đúng ý của thầy cô, để làm được một công việc
mà em học sinh đó có quyền từ chối.
Hình như
những người làm công tác giáo dục chưa kịp đổi mới tư duy trong vấn đề giáo dục
nhân cách sống cho học sinh; vẫn tự cho mình những cái quyền “không hợp pháp”
để khống chế, để ép buộc các em thay vì tìm cách làm hợp lý để thuyết phục các
em thực hiện các yêu cầu một cách tự giác. Phải chăng cần đặt ra vấn đề này
ngay từ bây giờ đối với công tác đào tạo giáo viên, dù muộn còn hơn không.
Có thể
nói, từ lâu, câu chuyện dạy chữ và dạy người đã khập khiễng vì quá tải. Bởi
không ít người thầy không đủ kiến thức, sự kiên nhẫn, tình yêu và sự đam mê với
nghề. Bởi căn bệnh hình thức trong giáo dục đã vô hình chung dẫn tới sự lệch
lạc trong tâm hồn những đứa trẻ và những hệ luỵ lâu dài là điều khó tránh khỏi…
Khánh
Linh